Nhắn nhủ cùng các bạn sinh viên: “Nếu không muốn thất nghiệp, bạn phải thay đổi”!

Vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bạn sinh viên. Bởi vì nó không chỉ là mong muốn của các bạn sinh viên mà còn là mong muốn của gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì vậy, việc quan tâm tìm hiểu đến nghề nghiệp và việc làm phải được các bạn sinh viên quan tâm ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học.

 Tân sinh viên được phổ biến về tình hình việc làm

Gắn bó với công tác hướng nghiệp, hỗ trợ sinh viên về nghề nghiệp và việc làm, ông Nguyễn Thành An, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tại ULAW ngay từ những ngày đầu tham gia sinh hoạt tuần công dân sinh viên dành cho tân sinh viên, Nhà trường đã có chuyên đề giới thiệu tổng quan về tình hình nghề nghiệp, tỉ lệ sinh viên có việc làm qua hàng năm, cũng như những nghề nghiệp sinh viên sẽ làm khi tốt nghiệp và những kỹ năng cần tích lũy từ khi còn trên ghế nhà trường.

Các hoạt động định hướng nghề nghiệp thường xuyên được tổ chức cho sinh viên tham gia

Mục tiêu của Nhà trường là làm sao để sinh viên có thể nắm bắt một cách tổng quan nhất về nhu cầu của thị trường lao động đối với ngành nghề sinh viên đang học để từ đó có thể xây dựng những kế hoạch cụ thể cho bản thân để tự tin tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Đồng hành với sinh viên tìm kiếm việc làm

Hàng năm, Nhà trường đều tiến hành khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm ra trường. Theo kết quả khảo sát năm 2016 thì có 86% sinh viên có việc làm sau 12 tháng (trong đó có 60% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp), để có được tỉ lệ này Nhà trường luôn tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong chương trình đào tạo nhà trường đưa giảng dạy các môn về “Kỹ năng mềm - Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp”, áp dụng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học theo chuẩn quốc tế…

Bà Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) chia sẻ thông tin khởi nghiệp cho sinh viên tại ULAW

Các hoạt động hướng nghiệp, định hướng nghề được tổ chức thường xuyên như mô hình Câu chuyện nghề Luật, Ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng, phỏng vấn thử,… góp phần tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các đơn vị sử dụng lao động ngay trong trường.

Sinh viên “thờ ơ” với việc làm, chưa chú trọng trang bị kỹ năng, đòi lương cao

Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường thì vẫn còn tình trạng sinh viên “thờ ơ” với việc tìm kiếm việc làm và trang bị kỹ năng tìm việc ngay trên ghế nhà trường.

Theo kết quả khảo sát nhanh đối các sinh viên năm cuối (có hơn 300 sinh viên tham gia làm khảo sát) thì có gần 30% sinh viên chưa có định hướng nghề nghiệp cụ thể sau khi ra trường, và có đến 76,2% sinh viên chưa tham gia thực tập ở bất kỳ một đơn vị nào.

Sinh viên ít tham gia thực tập

 

Khi được hỏi: Bạn có thường tham gia các chương trình định hướng nghề nghiệp, trang bị kỹ năng thực hành xã hội trong trường không? Thì có đến 49,4% sinh viên cho biết là chưa sắp xếp tham gia được. Cá biệt có nhiều trường hợp cho biết không thích tham gia các hoạt động này.

Nhiều sinh viên chưa dành thời gian tham gia các hoạt động hướng nghiệp

Tương tự, đánh giá về sự cần thiết của những kỹ năng thực hành xã hội thì có 41,8% sinh viên tham gia khảo sát cho rằng chỉ nên trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên khi sắp ra trường.

Về vấn đề thu nhập, có 33,2% sinh viên mong muốn có mức lương từ 7 đến dưới 10 triệu đồng hàng tháng, có 18,6% sinh viên mong muốn có mức lương từ 10 triệu đồng trở lên.

Sinh viên cần năng động hơn trong “tìm việc”

Ông Nguyễn Thành An, cho biết qua kết quả khảo sát, Trung tâm phần nào đã nắm được những mong muốn về nghề nghiệp của sinh viên từ đó xây dựng những chương trình cụ thể trang bị về kỹ năng hoặc tổ chức nhiều hơn những ngày hội nghề nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các đơn vị sử dụng lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.

Sinh viên có cơ hội được “tiếp cận” các đơn vị sử dụng lao động

 

Ông cũng nhắn nhủ “Nếu muốn không thất nghiệp, bạn cần phải thay đổi. Sinh viên cần chú tâm hơn nữa đến việc trang bị kỹ năng làm việc, hiện nay các đơn vị sử dụng lao động rất chú trọng đến kỹ năng làm việc của sinh viên. Khi tuyển dụng người ta đánh giá kỹ năng rất cao (chiếm từ 60%-75%). Vì vậy, sinh viên cần đánh giá lại giá trị của bản thân mình, đồng thời dành nhiều thời gian hơn nữa để tham gia các hoạt động hướng nghiệp, tìm hiểu về việc làm, tại các chương trình cần phải mạnh dạn trao đổi với các doanh nghiệp, chứ không chỉ tham gia cho có hình thức nghe xong rồi về. Có như vậy sinh viên mới biết nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động là gì rồi mới ứng tuyển theo nhu cầu của họ được”.

Sinh viên tham gia chương trình phỏng vấn thử tại Ngày hội việc làm của ULAW

Như vậy, để khắc phục tình trạng thất nghiệp hiện nay, bên cạnh việc gắn kết hơn nữa công tác đào tạo đáp ứng với nhu cầu xã hội. Các nhà trường cần thường xuyên lấy ý kiến và tiếp thu các đóng góp phù hợp của đơn vị sử dụng lao động để điều chỉnh chương trình đào tạo. Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động sẽ tích cực hơn nữa trong việc tham gia cùng nhà trường để đào tạo, tham gia hướng nghiệp, giảng dạy các kỹ năng thực tế… thì về phía mỗi sinh viên cũng cần phải điều chỉnh và chú trọng hơn nữa trong việc tìm hiểu về nghề nghiệp, trang bị những sự cần thiết về chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ, tin học đủ đáp ứng với thị trường lao động.

Hoàng Sơn

--%>
Top